Cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Các doanh nghiệp dẫn dắt cần phát huy vai trò trong hỗ trợ các doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
cai-thien-1666222500.jpg
Cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 19/10, Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề: "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát".

Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỉ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

"Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm 'các nền kinh tế đang phát triển' lên nhóm 'các nền kinh tế công nghiệp mới nổi'”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

"Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp khi năng lực sản xuất, quản trị, chất lượng sản phẩm… chưa thể đáp ứng đúng yêu cầu và các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn đặt ra”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu.

Xây dựng chiến lược cụ thể để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Choi Joo Ho, Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, từ năm 2015 cho đến nay, Samsung Việt Nam đã và đang phối hợp cùng với Bộ Công Thương Việt Nam để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, Samsung cũng đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của Samsung và tiếp tục nỗ lực đảm bảo những nhân viên được làm việc trong môi trường tôn trọng, an toàn, đảm bảo về bình đẳng giới, tuân thủ các luật pháp về lao động và nhân quyền dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau không chỉ trong nội bộ các pháp nhân của Samsung mà còn với các nhà cung ứng của Samsung.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng nêu giải pháp, Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng chiến lược, mục tiêu và kế hoạch thực hiện.

Cụ thể, có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau: Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cũng cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

cung-ung-1666222582.jpg
Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề: Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát - Ảnh: VGP

Lựa chọn 6 ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên

Tại phiên thảo luận tại diễn đàn, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: Dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam.

Ông Hoàn thông tin thêm, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển trên là tín hiệu, cơ sở để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, tăng cường thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhìn nhận, trước những thách thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thị trường các nước phát triển, xu thế phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả, và trách nhiệm tra soát… đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới.

Ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh.

Do đó, Thứ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.