Bitcoin và Ether lao dốc, chạm đáy nhiều tháng

Đồng Bitcoin đã phá vỡ ngưỡng sàn 43.000 USD trong ngày 6/1/2022, chạm mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng sau khi biên bản cuộc họp mới nhất của Fed cho thấy quan điểm nghiêng về những hành động chính sách tích cực hơn khiến nhà đầu tư giảm “ham muốn” đối với các tài sản rủi ro cao.
bitcoin-lao-doc-1641476103.jpg

Bitcoin – loại tiền điện tử lớn nhất – cuối chiều 6/1 theo gờ Việt Nam ở mức 42.694 USD, giảm 2% so với cuối phiên liền trước, sau khi đã giảm 5,2% trong ngày thứ Tư (5/1) và lùi xa mức cao kỷ lục 69.000 USD đạt được hồi tháng 11/2021. Sáng 6/1, Bitcoin có lúc xuống chỉ 42.505 USD.

Đồng Bitcoin đã tăng giá khoảng 500% kể từ cuối năm 2019, khi các biện pháp kích thích được tung ra trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Trong vòng một tháng qua hoặc nhiều hơn một chút, Bitcoin đã dao động trong khoảng từ 45.000 đến 51.000 USD, với mức độ biến động lịch sử trong 30 ngày thấp nhất kể từ tháng 9 và có nhiều tín hiệu cho thấy giá có thể đã chạm "đáy".

Đây được xem là vụ "tai nạn mới nhất" sau vụ "tai nạn chớp nhoáng" hồi tháng 12, khi giới đầu tư ngày càng gia tăng kỳ vọng về lãi suất tăng.

Bitcoin và Ether lao dốc, chạm đáy nhiều tháng - Ảnh 1.

Các loại tiền điện tử khác cũng giảm theo. Ether, loại tiền điện tử lớn thứ hai thế giới trên nền tảng mạng ethereum, cũng đã mất 5,2% trong ngày thứ Tư (5/1) và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10, tiếp tục giảm trong phiên 6/1, xuống 3.345 USD.

Bitcoin và Ether lao dốc, chạm đáy nhiều tháng - Ảnh 2.

Sự biến động gần đây của tiền điện tử diễn ra giữa giai đoạn thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Lạm phát tăng cao đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ, đe dọa làm giảm ‘luồng gió’ thanh khoản vốn đã nâng hàng loạt tài sả tăng giá mạnh trong thời gian qua.

"Với bối cảnh vĩ mô hiện tại, ‘đòn bẩy’ ở thị trường Bitcoin và sự mạnh mẽ gần đây được thấy trên thị trường tiền điện tử, chúng tôi nghĩ rằng thật phù hợp để Ethereum và các nền tảng khác điều chỉnh," chiến lược gia tài sản kỹ thuật số của Fundstrat, Sean Farrell và Will McEvoy cho biết. "Chúng tôi có thể sẽ không đặt cược ngắn hạn vào Bitcoin nhưng nghĩ rằng sẽ có cơ hội trong việc biến động dài hạn thông qua các chiến lược phái sinh", hai chiến lược gia này nói thêm.

Matt Dibb, COO của nhà phân phối quỹ tiền điện tử có trụ sở tại Singapore, Stack Funds, cho biết, sự sụt giảm của tiền điện tử "tương quan với động thái 'giảm nhu cầu tài sản rủi ro' ở hầu hết các loại tài sản truyền thống", ví dụ như Nasdaq.

Thị trường cổ phiếu Châu Á phiên thứ Năm (6/1) cũng rơi vào tình trạng bán tháo, trong khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên.

Các chuyển động trong thị trường tiền điện tử đang trở nên phù hợp hơn với các chuyển động của thị trường tài sản truyền thống khi số lượng các tổ chức giao dịch cả tiền điện tử và các tài sản khác ngày càng tăng.

Chỉ số Nasdaq đêm qua đã giảm hơn 3%, mức giảm của một ngày nhiều nhất kể từ tháng 2, sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 12 cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ tại cuộc họp tháng 12 đã thảo luận về việc giảm bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương, đồng thời cũng quyết định đẩy nhanh việc hoàn tất chương trình mua trái phiếu của mình.

Stephane Ouellette, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của nền tảng tiền điện tử FRNT Financial Inc. cho biết: "Fed là một kẻ diều hâu", "Các phản ứng liên hoàn đến thị trường tiền điện tử bởi thị trường có xu hướng coi đó là tài sản đặc biệt rủi ro bất chấp xu hướng dài hạn là tài sản chống lại lạm phát và tài sản lưu trữ có giá trị, v.v. "

Trong biên bản họp được công bố hôm 5/1, các quan chức FED bày tỏ lo ngại về khả năng đà tăng giá cùng với những tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu sẽ còn kéo dài trong năm 2022.

Ngôn ngữ trong biên bản cuộc họp cho thấy sự đồng thuận cao của giới chức FED trong việc chống lại lạm phát leo thang. Ngân hàng trung ương này sẽ không chỉ hành động thông qua việc tăng chi phí đi vay mà còn giảm lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp mà họ đang nắm giữ. Bảng cân đối kế toán của FED hiện vào khoảng 8.800 tỷ USD, với phần lớn trong số này được "tích lũy" trong đại dịch để đảm bảo thị trường tài chính ổn định và giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp. Với việc FED đẩy nhanh tốc độ thu hẹp các biện pháp kích thích trong mùa dịch, chương trình mua trái phiếu của ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2022 và tạo tiền đề cho các đợt tăng lãi suất sau đó. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp ghi nhận rằng FED có thể tiến hành nâng lãi suất nhanh hơn nữa nếu cần thiết trong bối cảnh giá tiếp tục tăng.

Giá tiền mã hóa tăng trong những năm gần đây khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng hơn 4 nghìn tỷ đô la Mỹ do Fed in tiền để hỗ trợ nền kinh tế bị tấn công bởi Covid-19 và thị trường sẽ thúc đẩy lạm phát nhanh hơn - và Bitcoin có thể đóng vai trò như một hàng rào chống lại sự gia tăng giá cả.

Vì vậy, một động thái thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể gây áp lực giảm giá đối với Bitcoin.

"Một số người tham gia đánh giá rằng việc giảm đáng kể của bảng cân đối kế toán có thể phù hợp trong quá trình bình thường hóa, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tiền tệ có tính thanh khoản dồi dào," biên bản của Fed viết.

Trong 24 giờ qua, đã có 812 triệu USD các hợp đồng tiền điện tử kỳ hạn tương lai bị bán thanh lý, sau khi Bitcoin phá vỡ ngưỡng hỗ trợ thứ nhất 46.000 USD và cả ngưỡng hỗ trợ thứ 2, 43.000 USD, theo dữ liệu từ công cụ phân tích Coinglass.

Các nhà phân tích tiền điện tử cũng đang theo dõi để xem liệu các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kazakhstan, ban đầu được châm ngòi bởi giá nhiên liệu tăng, có ảnh hưởng đến hệ thống Bitcoin hay không. Quốc gia Trung Á này là trung tâm khai thácBbitcoin lớn thứ hai thế giới. Chính phủ Kazakhstan vào cuối năm ngoái đã bắt đầu siết chặt dần các quy định đối với một số công nhân khai thác vì lo ngại quy trình khai thác tiền điện tử sử dụng quá nhiều năng lượng.

Tham khảo: Reuters, Coindesk

Vũ Ngọc Diệp

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị