Biên Hòa (Đồng Nai): Tại sao Công ty Phương Anh Dũng xây dựng được hạ tầng trên đất chưa chuyển đổi?

Thời gian qua, tại phường An Hòa, TP Biên Hòa diễn ra tình trạng xây dựng cơ sở hạ tầng, phân lô trên đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Lợi dụng việc gộp thửa, tách thửa sau đó xin hiến đất làm đường rồi tiến hành phân lô bán nền

Điển hình như tại thửa đất 39 và thửa 51 tờ bản đồ 29 thuộc tổ 4, khu 1, ấp 3, phường An Hòa, TP. Biên Hòa. Mặc dù khu đất này chưa được cơ quan chức năng, chính quyền, chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dựng đất, chưa được phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng cũng như giấy phép xây dựng.

Nhưng theo ghi nhận thực tế của PV, hiện trên thửa đất này đã được xây dựng các công trình kỹ thuật, cụ thể: chủ đất đã xây dựng những con đường nhựa đã rải thảm lớn, vỉa hè, đường thoát nước và cột điện được “trồng” dọc theo khu đất và điện đang được kéo “nhờ” từ một hộ dân gần đó.

tm-img-alt

Dù chưa được cơ quan chức năng chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dựng đất, chưa được phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng và giấy phép xây dựng nhưng thửa đất này đã được xây dựng các công trình kỹ thuật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ người dân, thửa đất trên do Công ty TNHH Phương Anh Dũng (Công ty Dũng Nam Phương) đứng tên. Tìm hiểu của PV được biết, hiện khu vực đất của Công ty Dũng Nam Phương chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước việc tự ý xây dựng cơ sở hạ tầng khi không được cơ quan chức năng cấp phép khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao công ty Dũng Nam Phương lại làm được việc nêu trên ?!

Đưa thắc mắc này đến các nhà chức trách địa phương, ông Đoàn Minh Thành, Chủ tịch UBND phường An Hòa cho biết, do ông mới về nhận nhiệm vụ nên chưa nắm được tình hình và mời chúng tôi qua gặp người phụ trách địa chính.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Linh, cán bộ phụ trách địa chính phường An Hòa cho biết: “Khu đất PV phản ánh là khu gộp sổ, tách thửa theo quy định. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa cho phép các nhà đầu tư lập dự án, nhưng mà họ tự đặt tên, liên kết, ủy quyền cho nhau làm dự án và phân phối đất nền”. Khi PV thông tin hiện các thửa đất trên đã phân lô, làm đường cũng như cơ sở hạ tầng khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép thì trách nhiệm xử lý của chính quyền ra sao? Câu hỏi này lại không được ông Linh trả lời cụ thể mà vòng vo né tránh.

Được biết, thông tin đến báo chí về việc cá nhân tổ chức xin hiến đất đầu tư hạ tầng rồi phân lô, rao bán, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Việc lợi dụng xin hiến đất làm đường để tách thửa trên đất nông nghiệp, sau đó phân lô, bán nền là hoàn toàn trái quy định pháp luật”.

tm-img-alt

Theo người dân, thửa đất trên do Công ty TNHH Dũng Nam Phương đứng tên.

Theo ông Đức, nếu làm dự án nhà ở phải có dự án đầu tư, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, xem xét trường hợp đó có đúng quy hoạch và được chuyển mục đích hay không. Dù là đất nông nghiệp được quy hoạch đất ở thì vẫn phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng khu dân cư, các chủ đầu tư mới được tiến hành.

Tỉnh Đồng Nai đang siết chặt những sai phạm về đất đai và đã có công văn chỉ đạo xuống tới từng huyện, thành phố để ngăn chặn những trường hợp cho đồn điền, tách thửa không đúng thực tế.

Ngoài ra, pháp luật cũng có những quy định rõ ràng về việc xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm. Cụ thể, căn cứ theo Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức cũng sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều 15.

tm-img-alt

Chủ đất đã xây dựng những con đường nhựa đã rải thảm lớn, vỉa hè, đường thoát nước và cột điện được “trồng” dọc theo khu đất và điện đang được kéo “nhờ” từ một hộ dân gần đó.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn quy định tại điểm b Khoản 12, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Trước thực trạng làm cơ sở hạ tầng trái phép để phân lô, bán nền trên địa bàn, thiết nghĩ phường An Hòa; UBND TP. Biên Hòa; UBND tỉnh Đồng Nai; Thanh tra tỉnh cần vào cuộc kiểm tra xử lý, giám sát, tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng đất sai mục đích, phá vỡ quy hoạch.

Nhằm lập lại trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, bên cạnh áp dụng các chế tài xử phạt, về lâu dài, phường An Hòa cần đẩy mạnh ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, tuyên truyền, thay đổi ý thức người dân, qua đó mới có thể ngăn chặn tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai./.