Bảo hiểm xe máy bắt buộc “mua dễ xài khó”

Hiện nay, bảo hiểm xe máy bắt buộc được bày bán tràn lan khắp nơi… Chỉ cần một cây viết và một sắp giấy “in sẵn” thì chưa tới 5 phút giao dịch mua bán đã hoàn thành. Thế nhưng, làm thế nào để sử dụng loại bảo hiểm này khi cần là cả một câu chuyện khiến người mua “lộn ruột”.

Theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ra ngày 16/02/2016, người điều khiển xe cơ giới khi tham gia giao thông phải có Bảo hiểm xe máy bắt buộc (tên gọi đầy đủ là Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe môtô - xe máy). Mục đích chính của sản phẩm bảo hiểm này dùng để khắc phục hậu quả tai nạn cho nạn nhân và đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, khi được hỏi về tác dụng của bảo hiểm xe máy bắt buộc là gì thì đa phần người dân đều trả lời “để công an khỏi phạt”. Còn vấn đề làm sao để sử dụng loại bảo hiểm bắt buộc trị giá 66.000 đồng này thì nhiều người ngao ngán lắc đầu.

Bảo hiểm xe máy bắt buộc được bán tràn lan.

Ông Phạm Minh Công (SN 1992, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) không khỏi bức xúc khi kể về một lần liên hệ với công ty bán bảo hiểm xe máy để làm thủ tục bồi thường trong một vụ tai nạn giao thông xảy ra cách đây 2 tháng.

“Khi liên hệ theo số hotline in trên tấm bảo hiểm để hỏi về thủ tục bồi thường thì nhân viên của công ty bảo hiểm yêu cầu tôi phải trình bày nguyên nhân, diễn biến và hậu quả vụ việc. Sau đó họ vặn vẹo đủ thứ nào là có phải xe chính chủ không, có bằng lái chưa, công an có làm việc không… Tiếp theo họ cho một số di động khác và bảo tôi gọi liên hệ để được hướng dẫn tiếp”, ông Công kể lại.

Theo ông Công, sau khi liên hệ với số điện thoại di động tiếp theo thì gặp một người khác cũng hỏi lại những nội dung như cũ.

“Lần này họ yêu cầu tôi phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm giấy tờ xe, bằng lái, bảo hiểm xe của tôi và của người bị nạn. Họ còn yêu cầu phải có biên bản làm việc của công an có kết luận lỗi của tôi cùng toàn bộ hoá đơn chứng từ chữa bệnh của nạn nhân và phải có mộc… mới hợp lệ. Sau khi đủ hồ sơ thì gọi lại số điện thoại này để được hướng dẫn tiếp”, ông Công thiếu kiên nhẫn nói.

Một trường hợp khác cũng gặp rắc rối khi đòi bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc là ông Nguyễn Công Danh (SN 1990, ngụ Q.9, TP.HCM). Ông Danh sau khi liên hệ lòng vòng qua nhiều số điện thoại khác nhau như hướng dẫn và chuẩn bị đủ hồ sơ theo yêu cầu thì công ty bảo hiểm cho một địa chỉ ở đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM để nộp hồ sơ.

“Lúc tôi đến nộp hồ sơ thì công ty bảo hiểm báo phải chờ 30 ngày mới được giải quyết. Họ cho biết chỉ chi trả các khoản viện phí của nạn nhân theo mức dịch vụ bình thường theo quy định. Còn trường hợp nạn nhân dùng dịch vụ cao cấp thì họ không chịu trách nhiệm. Thời gian giải quyết bao lâu thì họ bảo chờ chứ chưa biết”, ông Danh ngao ngán.

Theo người trong cuộc, thường thì thời gian làm thủ tục và chờ được giải quyết chi trả bảo hiểm xe máy bắt buộc diễn ra rất lâu lên đến hơn 30 ngày. Chưa nói nhiều trường hợp bị trả lại hồ sơ và bắt bổ sung thêm thì còn kéo dài hơn. Đây là câu chuyện đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn.

Một mẫu bảo hiểm xe máy bắt buộc trên thị trường.

Trên thực tế, một số trường hợp xảy ra tai nạn nhẹ với số tiền vài triệu đồng người dân thường chọn biện pháp thoả thuận giải quyết nhanh để khỏi rắc rối. Trong những trường hợp tai nạn nghiêm trọng, chờ để hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện giải ngân khoản tiền bảo hiểm xe máy bắt buộc như phải có xác nhận hiện trường của công an, hay phải có nhân viên của công ty bảo hiểm giám sát là không hề khả thi. Chưa nói đến, cơ chế giải quyết còn phụ thuộc vào sự nhiệt tình của công ty bán bảo hiểm.

Ông Đặng Ngọc Phong – Chủ một cơ sở kinh doanh ô tô, xe máy và các loại bảo hiểm xe lâu năm cho rằng, với số tiền bồi thường không đáng kể, bên cạnh các thủ tục rắc rối và tốn thời gian nhiều người dân từ lâu đã mặc định chỉ xem bảo hiểm xe máy bắt buộc là hình thức để xuất trình khi Cảnh sát Giao thông kiểm tra. Có thể thấy, quy trình về việc giải ngân bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc còn tồn tại nhiều bất cập ở khâu thủ tục và quá phụ thuộc vào bên bán bảo hiểm. Tuy nhiên, lại là loại hình bắt buộc phải mua.

Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe môtô - xe máy hiện nay người dân phải mua khi điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông là Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe đối với bên thứ ba. Bảo hiểm này thay chủ xe thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại do chủ xe gây tai nạn chứ không phải bảo hiểm cho bản thân chủ xe và xe của người mua.

Cụ thể, mức trách nhiệm như sau: thiệt hại về người: 100 triệu đồng/người/vụ, không hạn chế số người/vụ và số vụ/năm. Thiệt hại về tài sản: 50 triệu đồng/vụ, nếu gây thiệt hại cho nhiều người cũng chỉ đền tối đa 50 triệu đồng/vụ, không hạn chế số vụ/năm.