WB: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 có gì mới?

Báo cáo Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam dường như đã phát triển tương đối tốt trước đợt bùng phát dịch thứ 4, nhưng một số dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế sẽ chậm lại nếu đại dịch không được kiểm soát trong ngắn hạn.
photo1623462932757-16234629328551511094249-1623472854.jpg

Sản xuất công nghiệp thể hiện khả năng chống chịu tổng thể đáng chú ý

Sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% (so với tháng trước) và 11,2% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến xấu trong thời gian gần đây. Chỉ số PMI đạt mức 53,1 trong tháng 5, cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện so với tháng trước, mặc dù thấp hơn so với mức 54,7 vào tháng 4.

Tuy nhiên, những con số trung bình này có thể không cho thấy sự khác biệt giữa các địa phương. "Hoạt động bị gián đoạn tại các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh chắc chắn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của một số sản phẩm điện tử, từ đó có thể làm giảm sản lượng trong những tuần tới", báo cáo nêu rõ.

Trên thực tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tại Bắc Giang giảm 40,9% (so với tháng trước) và 33,3% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 5/2021, trong khi chỉ số sản xuất hàng điện tử giảm 53,6% (so với tháng trước) và 46,9% (so với cùng kỳ năm trước).

WB: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 có gì mới? - Ảnh 1.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (% thay đổi, NSA)

WB: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 có gì mới? - Ảnh 2.

Doanh số bán lẻ (Chỉ số, Tháng 5/2019 = 100, NSA)

Sau sự phục hồi ngắn vào tháng 4, doanh số bán lẻ đã giảm trở lại ở mức 3,1% (so với tháng trước) trong tháng 5. Sự sụt giảm này do nhu cầu trong nước yếu đi vì Chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19. Những hạn chế này có tác động không đồng đều giữa các tiểu ngành bán lẻ, vì doanh số của ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, giảm 8,9% so với tháng trước, so với hàng hoá (giảm 1,7% so với tháng trước).

Dòng thương mại hàng hóa cao kỷ lục trong 5 tháng đầu năm 2021 nhưng giảm nhẹ trong tháng 5

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt 6,7% và 9,4% (so với tháng trước) trong tháng 5. Đây là mức sụt giảm xuất khẩu lớn nhất kể từ tháng 6/2020. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt mức cao nhất mà Việt Nam từng ghi nhận, lần lượt tăng 29,1% và 35,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả đáng chú ý này phản ánh sự tăng trưởng vững chắc trong xuất khẩu máy tính, điện tử và máy móc thiết bị.

Điều này cũng phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu điện thoại, dệt may và giày dép, lần lượt tăng 19,5%, 16,1% và 27,0% (so với cùng kỳ năm trước) trong 5 tháng đầu năm 2021. Mức tăng trưởng trên diện rộng này được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như nhu cầu đang phục hồi từ EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

WB: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 có gì mới? - Ảnh 3.

: Thương mại quốc tế (Tỷ USD, SA)

WB: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 có gì mới? - Ảnh 4.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Tỷ USD, NSA)

Việt Nam thu hút được 1,7 tỷ USD FDI vào tháng 5/2021, giảm 20% so với tháng trước. Mức cam kết thấp hơn này có thể phản ánh các yếu tố thời vụ, nhưng cũng thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư nước ngoài do tình hình bùng phát dịch hiện nay. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI cam kết đạt 14 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát tiếp tục tăng do ảnh hưởng của tăng giá hàng hóa thế giới

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% (so với tháng trước), chủ yếu phản ánh tác động của việc tăng giá hàng hóa toàn cầu đến giá cả trong nước. Giá cả hàng hoá tăng trong thời gian gần đây phản ánh quyết định tăng giá nhiên liệu của Chính phủ vào cuối tháng 4 và giữa tháng 5, khiến giá xăng, dầu diesel và dầu hỏa lần lượt tăng 2,1%, 2,8% và 5,1% so với tháng trước.

Do thiếu hụt nguồn cung, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kim loại cũng tăng 4,8% so với tháng trước, làm tăng giá nhà ở và vật liệu xây dựng. So với cùng kỳ năm 2020, CPI tăng 2,9% - thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

WB: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 có gì mới? - Ảnh 5.

Chỉ số giá tiêu dùng (% thay đổi, SA)

Hà Trần

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị