Ứng phó linh hoạt trong phòng vệ thương mại để không bị mất thị trường

Song song với xuất khẩu tăng nhanh thời gian gần đây là số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại cũng gia tăng nhanh chóng, có thể dẫn tới nguy cơ mất thị trường. Chính vì vậy, theo các chuyên gia thương mại, dù đã có nhiều chuyển biến về nhận thức nhưng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra để tránh những rủi ro.
Xuất khẩu ngày 28/9-1/10: Đấu giá nhập 97.000 tấn đường, cá tra Việt có ở 139 thị trường thế giới, Trung Quốc thiếu điện-Việt Nam có bị ảnh hưởng? (Nguồn: ĐT)
Một số doanh nghiệp đã coi việc điều tra phòng vệ thương mại là một hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tính đến tháng 11/2022, các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường có tần suất điều tra nhiều bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Canada và Australia.

Nhận định từ các chuyên gia, xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường.

Thế nhưng, việc này đã tạo ra áp lực cạnh tranh với ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Bởi thế, đi liền với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, doanh nghiệp càng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, gần đây nhận thức về phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước đã có nhiều chuyển biến. Hơn nữa, một số doanh nghiệp đã coi việc điều tra phòng vệ thương mại là một hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế và đã xây dựng phòng ban, đội ngũ nhân sự chuyên môn hóa cho việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, bất cập hiện nay của nhiều doanh nghiệp đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để theo dõi và ứng phó linh hoạt.

Mặt khác, hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện. Đi kèm đó là trở ngại ngôn ngữ khi các thông tin liên quan đến vụ việc đều sử dụng tiếng bản địa, yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự, cung cấp nhiều thông tin, số liệu, tài liệu phục vụ điều tra trong thời hạn ngắn từ cơ quan điều tra nước ngoài cũng là rào cản với doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay, Bộ Công Thương luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài, luật sư, hiệp hội và doanh nghiệp. Việc này nhằm kịp thời cập nhật tình hình, thông tin các vụ việc phòng vệ thương mại, cung cấp tới các bên liên quan một cách nhanh chóng và chính xác.

Hơn nữa, Bộ cũng đã chú trọng cảnh báo sớm giúp các hiệp hội nắm bắt được khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại, từ đó chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý, tránh giảm thiểu tác động tiêu cực.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng luôn tích cực sử dụng các kênh đối thoại song phương, đa phương để xử lý vụ việc bất hợp lý đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh sự hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa các bộ, ngành trong các vụ việc điều tra có liên quan. Cùng đó, Bộ thường xuyên liên lạc, trao đổi với các tỉnh có doanh nghiệp bị điều tra để thu thập, rà soát và đối chiếu thông tin.

Đặc biệt, sau quá trình phối hợp xử lý vụ việc, có thể nhận thấy năng lực và kinh nghiệm của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại đã dần được cải thiện, nhất là những nhóm ngành hàng thường xuyên là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại như thép, thủy sản, gỗ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra.

Mặt khác, trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi phát hiện trong hoạt động điều tra có điểm chưa phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)..., đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, tích cực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm để đề ra các chiến lược xuất khẩu phù hợp cho từng giai đoạn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.

Hơn nữa, tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra.