Sự cố bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm': Độc đáo hay 'dông dài' tùy góc nhìn từng người

Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm đoạt giải cuộc thi thơ bất ngờ gây dậy sóng mạng xã hội. Trước sự cố này, nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, nhìn ở góc độ nào sẽ thấy bài thơ có một diện mạo khác, quy chiếu theo góc nhìn của họ, khi ấy bài thơ sẽ trở nên hay - dở, độc đáo hay 'dông dài'.
null
Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, dưới góc nhìn của từng người, bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm sẽ là hay hoặc dở, độc đáo hay dông dài.

Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của nhà thơ Tòng Văn Hân được trao giải B (không có giải A) của Báo Văn Nghệ đã gây bão trên mạng hai hôm nay.

Theo dõi trên báo chí và mạng xã hội, tôi nhận thấy số người “chửi” nhiều hơn số người khen. Thậm chí, bài thơ ngay lập tức được tạo thành trend và có rất nhiều dị bản đã ra đời, mà bản nào cũng hay, bản nào cũng dí dỏm.

Người chửi, người khen, từ những người câu thơ bẻ đôi không biết, chỉ biết cảm nhận bằng tâm hồn, đến những cây bút lão làng, những nhà thơ với vô vàn ý kiến.

Cả một ngày tìm đọc những bài chửi, bài khen, chưa bao giờ tôi lại thấy quý cả những người chửi lẫn người khen như vụ này. Đơn giản, tôi cứ tưởng văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ đã “chết” từ bao giờ. Hóa ra không phải, nó vẫn đang sống, sống âm thầm, lặng lẽ. Bởi thế, nó mới nhận được sự quan tâm rầm rộ của công chúng đến vậy.

Từ một bài thơ, đúng hơn là từ một tác phẩm thơ ca đoạt giải, người ta mới khơi lên bao nhiêu vấn đề của thơ ca hiện nay. Chỉ trong một ngày, có hàng nghìn bài viết từ báo chí đến mạng xã hội, rõ ràng đó là một tín hiệu vui cho thơ ca nước nhà.

"Mỗi người đều có một đời sống nội tâm riêng, cảm nhận bài thơ cũng rất khác nhau. Có người chỉ thích thơ ca là những câu từ trau chuốt, vi diệu hoá ngôn ngữ đến mức... chả hiểu gì. Thế nhưng có những người lại thích có đất trong thơ, như là sự mộc mạc của những cánh đồng quê nguyên bản vậy", Ngô Bá Lục

Khi thử đọc những “dị bản”, tức là theo ngôn ngữ mạng hiện nay gọi là bài “Fake” sẽ thấy nội dung mới, câu chuyện mới ở nhiều khía cạnh cuộc sống. Từ đó cho thấy khả năng thơ phú còn ẩn trong dân chúng rất nhiều. Thậm chí, có bản “Fake” còn chắc chắn về vần điệu hơn, câu cú, bằng trắc chuẩn luật, dù vẫn lấy nguyên cái tứ và kết cấu y như bản “chửi” gốc.

Tôi không đánh giá bài thơ là hay - dở, vì mình chỉ là người đọc thơ, cái hay dở đã được ban giám khảo (gồm các nhà thơ lão thành đáng kính trọng) thẩm định và tôi tin vào quyết định của họ. Bởi thực ra, văn chương khác với toán học, tức là phụ thuộc vào cảm nhận.

Mỗi người đều có một đời sống nội tâm riêng, cảm nhận bài thơ cũng rất khác nhau. Có người chỉ thích thơ ca là những câu từ trau chuốt, vi diệu hoá ngôn ngữ đến mức... chả hiểu gì. Thế nhưng có những người lại thích có đất trong thơ, như là sự mộc mạc của những cánh đồng quê nguyên bản vậy. Chưa nói, mỗi bài thơ lại được người đọc nhìn và cảm dưới một góc độ khác.

Có người thích vần luật, có người thích ý tứ, có người thích thông điệp, có người lại thích cách khai thác đề tài... Ví dụ ở bài “chửi” này, có người kêu "ngang phè", có người lại bảo "lạ quá", có người lại khen bài thơ này nhân văn hướng thiện, có người phê bình là "dông dài"... Thế là, ai nhìn ở góc độ nào sẽ thấy bài thơ có một diện mạo khác, quy chiếu theo góc nhìn của họ, bài thơ sẽ trở nên độc đáo hay dở hơi.

Thế nên, tôi thấy bài thơ này thành công, ít nhất là ở sự quan tâm của công chúng. Sợ nhất là một tác phẩm văn học được công bố đoạt giải xong không ai ỏ ê một câu một từ, đó mới là sự thất bại. Còn ở đây, bài thơ “chửi” này tạo thành cơn “địa chấn” trên mạng xã hội nguyên một ngày, ở góc độ nào đó, nó cũng đáng khen.

Cũng phải nói thêm, bài thơ “chửi” này đánh động cho những người yêu văn học và những người đang làm văn học, có một lúc tĩnh lại, nghiêm túc nhìn nhận về vai trò và sứ mệnh cũng như sự sống của nên Văn học Việt Nam hiện nay đang ở đâu.

Mọi tranh cãi đều có tác dụng thúc đẩy sự phát triển, vì thế “sự cố” của giải thưởng này có thể sẽ là tiền đề cho nhiều ý tưởng, nhiều câu chuyện nghiêm túc về việc xây dựng nền Văn học Việt Nam thời kỳ mới như thế nào cho phù hợp với hơi thở cuộc sống đương đại.

Ngô Bá Lục