Quốc Cường Gia Lai gửi đơn kêu cứu vì “sa lầy” tại dự án Phước Kiển – Nhà Bè

Trong đơn kêu cứu, Quốc Cường Gia Lai (QCGL) yêu cầu cơ quan chức năng không hình sự hóa vấn đề dân sự vì có thể ảnh hưởng đến gần chục nghìn người.

Mới đây, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (công ty QCGL) có đơn kêu cứu gửi đến Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo TP.HCM, Giám đốc Công an TP.HCM, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp của công ty này với công ty cổ phần đầu tư Sunny Island (công ty Sunny Island) tại dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Trước đó, vào tháng 12/2020, QCGL đã nộp đơn khởi kiện Sunny Island tại VIAC liên quan đến “hợp đồng hứa mua, hứa bán” dự án KDC Bắc Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM). Qua đó QCGL yêu cầu bị đơn là công ty Sunny Island hoàn trả toàn bộ GCNQSDĐ 65ha và hồ sơ đền bù của dự án trên do bị đơn đang nắm giữ.

tm-img-alt

QCGL đang bị "sa lầy" tại dự án KDC Bắc Phước Kiển

Được biết, theo hợp đồng ký kết vào tháng 3/2017 giữa công ty QCGL và công ty Sunny Island, trong đó QCGL sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý dự án trên đến khi đủ điều kiện chuyển nhượng thì sẽ chuyển nhượng 100% dự án cho Sunny Island. Tuy nhiên, tiến độ pháp lý sẽ thực hiện song song tiến độ thanh toán của Sunny Island. Thế nhưng đến nay, theo QCGL thì phía Sunny Island mới thanh toán tương đương đợt 2 và ½ đợt 3, với số tiền 2.882,8 tỷ VNĐ, trong khi QCGL đã thực hiện thủ tục pháp lý tương ứng đến đợt thanh toán thứ 5.

Cụ thể, theo tinh thần hợp đồng đến tháng 9/2017, Sunny Island phải thanh toán đến 4.800 tỷ VNĐ để QCGL thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng BIDV, làm nhà tái định cư, đền bù đất hoán đổi nhà ở xã hội phục vụ dự án và giải phóng mặt bằng hoàn tất để được giao đất.

Ngay sau khi được giao đất, phía Sunny Island phải thanh toán tiếp 5.000 tỷ VNĐ và số tiền còn lại sẽ thanh toán khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng. Theo QCGL, đến tháng 10/2017, Sunny Island chỉ thanh toán số tiền hơn 2.882,8 tỷ VNĐ và từ tháng 11/2017 đến nay,phía Sunny Island không thanh toán tiếp.

Theo QCGL, hợp đồng quy định tại Điều 14 khoản 14.2,nếu Sunny Island thanh toán trễ hạn cộng lũy tiến quá 60 ngày thì QCGL được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng QCGL đã “nhân nhượng” chờ Sunny Island 240 ngày (tức ngày 30/3/2018) sau nhiều lần nhắc thanh toán, Sunny Island vẫn không thanh toán nên buộc lòng QCGL phải thông báo bằng văn bản tuyên “chấm dứt hợp đồng theo Điều 14 khoản 14.2.

Trong đơn kêu cứu mới đây ngày 11/01/2022, công ty QCGL có nêu thông qua văn bản thông báo của VIAC ngày 10/11/2022 và công văn của Cơ quan điều tra -Công an TP.HCM, công ty này mới được biết mình bị tố cáo có hành vi gian dối trong việc kê khai khống diện tích đã đền bù, giải phóng mặt bằng là 84,1ha (tương đương 92% diện tích dự án theo hợp đồng Hứa mua, hứa bán Khu dân cư Bắc Phước Kiển), trong khi thực tế chỉ giao cho Sunny Island là 64,2ha nhằm chiếm đoạt 2.882,8 tỷ VNĐ.

Tuy nhiên, qua đơn kêu cứu, QCGL đã phản bác lại các cáo buộc của Sunny Island và cho rằng không đủ căn cứ để hình sự hóa vấn đề kinh tế, dân sự.

Để nhấn mạnh sự việc trên, QCGL cho rằng phía Sunny Island đã vi phạm hợp đồng nên mới dẫn tới việc QCGL đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đồng thời cho biết , khi Sunny Island hoàn trả lại GCNQSDĐ và hồ sơ đền bù của dự án Bắc Phước Kiển cho QCGL, thì QCGL sẽ hoàn trả lại số tiền 2.882,8 tỷ VNĐ cho Sunny Island.

Cũng trong đơn kêu cứu, QCGL cho rằng có nhiều mâu thuẫn trong cách xử lý của Sunny Island. Cụ thể, một mặt Sunny Island tố cáo QCGL có hành vi gian dối, chiếm đoạt nhưng lại yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng trên với QCGL.

Theo tìm hiểu của PV, công ty Sunny Island thành lập vào tháng 2/2017 với vốn điều lệ 1.900 tỷ VNĐ, có địa chỉ trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Người đại diện pháp luật của công ty Sunny Island là ông Chang Ly. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay công ty Sunny Island đã thay đổi nhiều pháp nhân. Cụ thể, lần thay đổi gần đây thực hiện vào tháng 11/2021với đại diện là ông Trần Tuấn Vinh (SN 1980) thay thế cho ông Phạm Ngọc Phong Anh (SN 1990), địa chỉ trụ sở đặt tại 66A Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.

Thông qua đơn kêu cứu, QCGL khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng cần có cái nhìn khách quan, tìm hiểu nhiều bên trước khi đưa ra các quyết định. Đồng thời không nên hình sự hóa vấn đề dân sự.

Cũng qua đây, QCGL cho rằng công ty của mình đã thiệt hại nghiêm trọng kể từ khi sự việc xảy ra do phải áp dụng các quy định pháp luật từ năm 2020 và biến động giá đất. Việc áp dụng pháp luật thay đổi khiến pháp lý dự án phải kéo dài nhiều năm trời, đồng thời giá đất tăng cao “chóng mặt” khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp không ít trắc trở và thiệt hại kinh tế.

Đáng chú ý, vấn đề mà QCGL lo nhất là niềm tin của 5000 cổ đông và cổ phiếu có thể sụt giảm, quyền và lợi ích hợp pháp của 5000 cổ đông và 3000 nhân viên công ty có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các cơ quan chức năng không giải quyết vụ việc một cách khách quan, minh bạch.

Theo H.M (moitruongvadothi.vn)

Link bài gốc:

https://www.moitruongvadothi.vn/quoc-cuong-gia-lai-gui-don-keu-cuu-vi-sa-lay-tai-du-an-phuoc-kien-nha-be-a96063.html