Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ. Liên quan đến nội dung này, một số bạn đọc đề nghị làm rõ trái phiếu doanh nghiệp là gì? Và những lưu ý khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp?

Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền phát hành trái phiếu?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Chương I Luật chứng khoán 2019 (Luật số: 54/2019/QH14, ngày 26 tháng 11 năm 2019) nêu rõ, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

trai-phieu-doanh-nghiep-1671595347.jpg
Ảnh: minh họa

Như vậy, trái phiếu là phương thức để công ty huy động nguồn vốn. Việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng vốn vay, nghĩa vụ trả nợ của công ty nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu.

Về bản chất, trái phiếu là chứng chỉ ghi nhận nợ của tổ chức phát hành và quyền sở hữu đối với một phần vốn vay của chủ sở hữu. Công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đều có quyền phát hành trái phiếu.
Người sở hữu trái phiếu không phải là thành viên hay cổ đông của công ty, họ trở thành chủ nợ của công ty, được công ty phát hành trả lãi định kì, lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Đáng chú ý, có một thời hạn nhất định được ghi trong trái phiếu.

Trái phiếu doanh nghiệp có phải là tiền gửi ngân hàng?

Mặc dù được xem là công cụ pháp lý hữu hiệu, song chính các nhà đầu tư phải tự nâng cao nhận thức rằng: Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Để chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm xóa bỏ tình trạng “vàng thau” lẫn lộn, luật sư Tuấn cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có cả phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Luật sư Tuấn phân tích, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán cả gốc và lãi trái phiếu.

Thực tế cho thấy, so với các kênh đầu tư hiện nay như cổ phiếu, gửi ngân hàng thì khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chúng ta sẽ nhận được mức lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, thậm chí có thể bán trái phiếu này cho một người/tổ chức khác trong thời gian đầu tư mà không cần đợi đến khi đáo hạn hợp đồng.

"Việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với cá nhân không có quá nhiều kinh nghiệm và có khoản tiền rảnh rỗi trong thời gian tương đối dài, tuy nhiên, nó cũng có thể mang đến những rủi ro nhất định, bao gồm rủi ro khi chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, rủi ro khi tái đầu tư, rủi ro về lãi suất, rủi ro thanh khoản và rủi ro lạm phát", luật sư Tuấn khuyến cáo./.

Anh Tuấn

Link nội dung: https://www.ktxh.com.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-la-gi-a24926.html