Nỗ lực của Chính phủ tạo niềm tin cho thị trường bất động sản
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong khoảng 1 tháng qua Chính Phủ đã liên tục ban hành các văn bản, yêu cầu các bộ ban ngành liên quan khơi thông vốn, ổn định lại thị trường.
Cụ thể, ngày 17/11 Chính phủ đã ban hành quyết định số 1435 về thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tại công điện này, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, hợp lực để vượt qua khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đúng quy luật, an toàn, lành mạnh.
Tiếp đó, ngày 14/12/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Tại công điện này, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm chi phí, thủ tục hành chính để cung ứng vốn. Các nhà băng cần cho vay, giải ngân nhanh với những dự án, doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện, có khả năng trả nợ, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà thương mại giá phù hợp thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Theo đó, nhiều quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu... sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay. Điều này cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.
Theo giới chuyên gia và doanh nghiệp, những động thái của Chính phủ sẽ là "kim chỉ nam" trong tháo gỡ khó khăn mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt, giúp nhà đầu tư gia tăng chỉ số niềm tin. Đặc biệt, đây sẽ là "bàn đạp" cho thị trường bất động sản 2023 có cơ hội phục hồi.
Một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, dự thảo cho phép kéo dài kỳ hạn, chuyển đổi thành tài sản khác với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành mới đưa ra lấy ý kiến và trước đó là việc nới room tín dụng thêm từ 1,5 - 2% là hai tín hiệu tích cực nhất cho thị trường hiện nay. Dù những vướng mắc vẫn còn đó nhưng tinh thần chung là tâm lý thị trường đã tích cực hơn.
Nguồn vốn và pháp lý vẫn "cản trở" thị trường bất động sản
Nhiều chuyên gia nhận định dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng chỉ tiêu tín dụng, nhưng việc tiếp cận vốn vay đối với doanh nghiệp vẫn rất khó khăn ngay cả với dự án pháp lý hoàn chỉnh, kế hoạch kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp đảm bảo. Nếu gỡ được nút thắt này, những khó khăn của doanh nghiệp, của thị trường cơ bản sẽ được giải quyết. Ngược lại, nếu không giải quyết được, thị trường bất động sản vẫn sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%. Như vậy sẽ có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng vốn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ dòng tiền nới room này và là động lực thúc đẩy thị trường "phá băng".
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng quan trọng hơn là Bộ TN&MT phải có chính sách định giá đất, xác định tiền sử dụng đất để các địa phương thực hiện chứ hiện nay không ai dám ký. Nếu có ký cũng đưa ra mức giá, số tiền sử dụng đất rất cao, không ai làm được, nhất là nhà ở xã hội và nhà giá rẻ.
"Bản chất của thị trường là điểm nghẽn về tiền và chính sách pháp lý nên làm sao tháo hai cái này thì mới giải quyết được vấn đề. Trong nhiều giai đoạn khủng hoảng diễn ra chúng ta đã có nhiều chính sách điều tiết rất nhanh, kịp thời. Lần này cũng thế. Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể cho từng bộ ngành, từng địa phương phải làm gì. Khi làm việc với các bộ ngành, nhất là Tổ công tác, thấy họ làm việc rất mạnh mẽ, nhanh khi gặp gỡ chuyên gia, doanh nghiệp liên tục", ông Đính nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ khó khăn chồng chất khó khăn. Việc co hẹp nguồn vốn vào thị trường bất động sản đã tạo nên khó khăn cho cả chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án cũng như người mua nhà. Chính vì vậy, cần phải có những chính sách đột phá khơi thông nguồn vốn, vực dậy thị trường bất động sản.
Thái Nguyễn
Link nội dung: https://www.ktxh.com.vn/go-kho-thi-truong-bat-dong-san-co-2-van-de-can-giai-quyet-a24895.html