Ngày 18.12, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Freetrend A (nhà máy tại khu chế xuất Linh Trung 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM) quay trở lại làm việc sau mấy ngày tạm ngưng làm việc để yêu cầu ban giám đốc tăng tiền thưởng tết. Cụ thể, trước đó, lấy lý do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, công ty công bố thưởng cuối năm tính theo thâm niên đến ngày 31.12.2021 và dựa trên mức lương cơ bản của tháng 12.2021.
Mức thấp nhất công nhân có thâm niên từ 1 năm trở lên nhưng chưa đủ 3 năm được nhận 1 tháng lương và tăng dần lên cho đến mức cao nhất là người có thâm niên từ 27 năm trở lên được nhận 3 tháng lương cơ bản. Lấy lý do năm 2021 dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty, nên tiền thưởng cuối năm 2021 thực nhận sẽ khoảng 60%. Người lao động không đồng ý, qua trao đổi làm việc với công đoàn và đại diện công ty, công ty đã đồng ý nâng mức thưởng tết cuối năm lên 75% chứ không phải 60% như trước đó. Nhiều công nhân đồng ý với quy định này đã quay trở lại làm việc, nhưng một số người khác không đồng ý và đã bỏ ra về.
Hay thông tin từ một số nhân viên của một doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghệ tại TP.HCM, các năm vừa qua công ty đều thưởng bình quân 3 - 4 tháng lương nhân dịp Tết âm lịch. Thế nhưng năm nay, công ty này thông báo chỉ có thêm tháng lương 13 còn kế hoạch thưởng tết sẽ dời lại đến tháng 3 - 4.2022 để xem xét lại kế hoạch kinh doanh cũng như chỉ tiêu của từng nhân viên. Trong khi đó, theo ước tính công ty vẫn đạt kế hoạch đề ra nên với thông báo đó, gần cả ngàn nhân viên đều chung tâm trạng không mấy hào hứng khi chờ đón một mùa tết đang sắp đến gần.
Theo thống kê từ bảng xếp hạng top 500 DN có lợi nhuận tốt nhất trong năm 2021 thì vẫn có 339 DN niêm yết. Điều này cho thấy hơn 53% DN vẫn giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2019 - 2020 và 6 tháng đầu năm nay. Báo cáo này cũng cho thấy 24,4% DN bắt đầu phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận từ nửa đầu năm.
Nên công bằng với người lao động
Thực tế, qua khảo sát, đa số các DN đều nêu lý do khó có thưởng như mọi năm, hoặc giảm thưởng, không thưởng vì dịch Covid-19 gây ảnh hưởng quá nặng nề. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng: Việc nhiều DN lớn bị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh vì dịch là thật. Nhưng nếu DN đó niêm yết thì họ vẫn nhận được lợi từ thị trường chứng khoán rất nhiều. Vì vậy, lấy lý do đại dịch để không chia sẻ lợi nhuận bằng tiền thưởng cuối năm cho nhân viên và nhà đầu tư là việc làm không “đẹp”. Ngoài ra, vị này thừa nhận, DN cố ý không chịu chia sẻ lợi nhuận với lý do dịch bệnh là thật. Bên cạnh đó, biến thể Omicron khó lường, nên đa số DN sẽ chậm lên kế hoạch thưởng tết hoặc giảm thưởng vì e ngại dịch bệnh kéo dài sang năm 2022, ảnh hưởng khó lường trong hoạt động kinh doanh.
Nghiên cứu khá nhiều báo cáo kinh doanh của các DN đầu tư trong và ngoài nước, chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng thực tế các DN có lãi lớn nhưng trong năm qua, các chi phí của họ đổ vào cho việc phòng chống dịch cũng quá lớn, bao trùm hết cả lợi nhuận nên có thể họ cũng dè xẻn hơn.
“Trong năm nay, có thể nói, các ngành sản xuất liên quan vật tư thiết bị y tế, công nghệ thông tin, sản xuất điện tử… có doanh số tăng mạnh. Đây là các ngành người ta kỳ vọng lớn vào thưởng tết. Nhưng như tôi nói, những chi phí phát sinh để chống dịch sẽ kìm hãm mức thưởng tết của DN. Còn lại, về nguyên tắc trong năm nay, khó khăn được chia đều cho DN và người lao động. Thông thường ít có DN nào nỡ giảm trừ lương thưởng nếu lợi nhuận cao. DN lớn thường có văn hóa kinh doanh của họ và tính nhân văn trong hành xử luôn đặt lên hàng đầu. Cơ bản có nhiều DN có sản xuất kinh doanh tốt, lợi nhuận sau thuế, sau khi trừ mọi chi phí mà vẫn cao, thường họ có sự tưởng thưởng tốt cho người lao động. Nếu không, chính tổ chức công đoàn phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”, chuyên gia này chia sẻ.
Ng.Nga,M.Phương
Thanh Niên
Link nội dung: https://www.ktxh.com.vn/loi-nhuan-tang-nhung-van-giam-thuong-a20826.html