Ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu

Từ nay đến tháng 4/2021, các ngân hàng thương mại (NHTM) vào mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ). Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng cao, các cổ đông cho biết họ thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt như trước đây. Ngoài ra, kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu cũng đã được một số ngân hàng hé lộ với tỷ lệ "khủng", có trường hợp lên đến 40%.

Nhiều ngân hàng chia cổ tức cao

BIDV là ngân hàng mở màn mùa ĐHCĐ của ngành trong năm nay. Cụ thể, ngày 12/3 vừa qua, BIDV đã tổ chức họp cổ đông và thông qua toàn bộ các tờ trình tại cuộc họp. Trong đó, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng.

Đối với cổ tức, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tương đương tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III – IV/2021.

Trước đó, đầu năm 2021, BIDV cũng đã dùng hơn 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%. Số tiền đã được thanh toán tại ngày 3/2/2021 vừa qua.

 Ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu  - Ảnh 1.

Ngày 24/3, VIB sẽ tổ chức ĐHCĐ và dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiểu thưởng. Ảnh: NH


Còn theo tài liệu ĐHCĐ được Ngân hàng VIB công bố và dự kiến được tổ chức vào ngày 24/3 tới đây, ngân hàng này sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng OCB cũng cho hay, đơn vị dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%. Với ngân hàng SHB, dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu trong năm 2021, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Còn ngân hàng MSB trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại ĐHCĐ thường niên 2021…

Trong khi đó, ngân hàng ACB dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng trong kỳ họp cổ đông thường niên, dự kiến diễn ra ngày 4/6. Cũng trong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, ACB sẽ trích gần 1.296 tỷ đồng cho các quỹ gồm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ các công ty con và quỹ khen thưởng phúc lợi. Về kế hoạch hoạt động trong năm nay, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 10,5% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 8.481, tăng 10,4%.

Ngoài các NHTM tư nhân, các NHTM quốc doanh như Vietcombank, VietinBank cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay, sau khi Nghị định 121/2020 được sửa đổi, cho phép các ngân hàng cổ phần nhà nước được chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong đó, VietinBank đã lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gần 48.000 tỷ đồng bằng việc phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ gần 28,8%. Trước khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, VietinBank đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% vào hồi cuối năm 2020.

Tương tự, Vietcombank cũng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8% trong tháng 1/2021. Ngân hàng này cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2021-2022.

Tăng nguồn lực cho vay và tài sản đảm bảo

Trong chỉ thị ban hành đầu năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng tạm thời không chia cổ tức tiền mặt để tập trung giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Năm 2021, vấn đề này tuy không được NHNN đề cập, song chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là ưu tiên số một của các ngân hàng.

 Ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu  - Ảnh 2.

OCB là ngân hàng có mức cổ tức tương đối phù hợp trong các năm qua đạt trên dưới 20%. Ảnh: NH

Lý do là hiện nay, 70-90% thu nhập của các ngân hàng vẫn đến từ tín dụng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy, để duy trì được hệ số an toàn vốn ở mức hiện tại, các ngân hàng phải tăng vốn ở tốc độ tương tự. Mặt khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chính vì vậy, mặc dù lãi lớn nhưng mùa ĐHCĐ năm nay, hầu hết các ngân hàng đều thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Chưa kể, tăng vốn cũng là yếu tố khiến nhiều ngân hàng trăn trở. Mặc dù tăng vốn sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, giúp ngân hàng phát triển ổn định, bền vững hơn trong tương lai. Tuy nhiên, theo chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, ông Cấn Văn Lực, đây tiếp tục là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021, tạo áp lực cho ngân hàng vì phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ bào mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Ngoài ra, tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7-8%.

Do đó, với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ tại nhiều ngân hàng cũng tăng tương ứng. Như trường hợp của VIB nói trên, năm 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn là khoảng 16.000 tỷ đồng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Còn ngân hàng VietinBank đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% theo mệnh giá. Sau khi trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, lợi nhuận giữ lại của VietinBank còn hơn 3.886 tỷ đồng. Khoản tiền này cùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ của năm 2017 - 2018 sẽ được dùng làm nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch huy động vốn mới trong năm nay. Cụ thể, Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang hoàn tất hồ sơ chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE, thay vì giao dịch trên UPCoM với mức giá đang xoay quanh 14.200 đồng/cổ phiếu.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt cũng đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần tăng thêm tối đa gần 1.000 tỷ đồng trong quý I/2021; đồng thời chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tối đa mức 30% nhằm thu hút vốn ngoại, tăng vốn.

Dù còn một số ngân hàng chưa chính thức công bố kế hoạch ĐHCĐ năm 2021, tuy nhiên, thay đổi phương thức trả cổ tức từ tiền mặt sang cổ phiếu sẽ trở thành xu hướng chính trong năm nay bởi các nhà đầu tư đã am hiểu hơn và nhận thức được rằng, tăng vốn là vấn đề cấp thiết để tăng cường năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh ngày càng biến động.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các cổ đông nên để lại toàn bộ hoặc ít nhất 30% cổ tức tại ngân hàng. Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng cần nhìn về tương lai, thay vì lợi ích trước mắt.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS. Võ trí Thành, về lâu dài, để giữ chân các cổ đông, khách hàng, ngân hàng nên hài hòa lợi ích cả hai bên. Quan trọng nữa, các ngân hàng phải giải trình kế hoạch, chiến lược kinh doanh rõ ràng, minh bạch để mang tính thuyết phục cao hơn với các cổ đông.

Theo Hải Yên

Báo Tin tức

Link nguồn: https://cafef.vn/ngan-hang-day-manh-tang-von-qua-chia-co-tuc-bang-co-phieu-20210320160528585.chn