Kiểu tra tấn đòi tiền chuộc của tội phạm buôn người ở Campuchia

Đánh đập tàn bạo các nạn nhân rồi bắt họ nói trước camera là cách thức mà bọn tội phạm ở Campuchia áp dụng để đòi tiền chuộc.

Cú đấm đầu tiên nện vào bên trái mặt nam thanh niên, cú đấm thứ hai nhằm vào bên phải. Sau đó, nhiều cú đấm khác tiếp tục trúng vào mặt nạn nhân. Đầu gối của kẻ tấn công giáng mạnh vào bụng thanh niên này trong tình trạng không thể tự vệ vì tay bị còng.

Kẻ tấn công nạn nhân bọc vải quanh nắm đấm. Hắn kéo áo nạn nhân đối mặt với máy quay và bắt phải nói: “Cha ơi, con đang ở Campuchia. Con không còn ở Trung Quốc nữa. Con xin cha hãy gửi tiền”, nam thanh niên vừa nói, vừa khóc, máu tràn ra từ mũi.

Video đòi tiền chuộc mà bọn bắt cóc gửi cho cha mẹ của nạn nhân là một trong nhiều video mà Li, một người chuyên cứu nạn nhân buôn người ở Campuchia, cho phóng viên của Nikkei Asia xem.

Một số video khác ghi cảnh nạn nhân bị còng, đánh bởi gậy gộc hoặc quằn quại trong đau đớn vì bị chích điện.

Vì sao sòng bạc có nhiều ở Campuchia?

Các video này hé lộ một phần thế giới tối tăm dưới sự điều hành của các đường dây tội phạm đa quốc gia. Họ có thể buôn người từ Trung Quốc sang Campuchia và Myanmar.

Các nhóm tội phạm buộc nạn nhân thực hiện những trò lừa đảo trực tuyến. Các đường dây này hình thành khi làn sóng tổ chức cờ bạc trực tuyến và vận hành casino (phần lớn từ Trung Quốc) di chuyển đến thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia vào năm 2016. Tội phạm khi đó thấy Campuchia là nơi vô cùng thuận lợi vì đánh thuế thấp và các quy định còn lỏng lẻo so với Philippines.

Sihanoukville vì thế nhanh chóng mang biệt danh “Macao của Đông Nam Á”. Thành phố này chủ yếu phục vụ các con bạc từ Trung Quốc đại lục, nơi mọi hình thức cờ bạc - trừ xổ số do Nhà nước phát hành - là hoạt động phi pháp.

tra tan doi tien chuoc anh 1

Cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) dẫn độ hai nghi phạm tham gia hoạt động lừa người sang Campuchia. Ảnh: AP.

Theo chuyên gia, vài năm trước, lĩnh vực đánh bạc trực tuyến ở Sihanoukville có thể tạo ra vài tỷ USD và sử dụng vài chục nghìn lao động. Nhu cầu mở rộng các sòng bạc tăng vọt đã thu hút thêm người lao động từ Trung Quốc và các quốc gia khác.

Song khi thành phố phát triển nhanh chóng, tình trạng phạm pháp ngày càng trở nên phức tạp với nhiều vụ ẩu đả, bắn và giết người trên phố.

Mức độ nghiêm trọng của nạn buôn người

Năm 2020, Thủ tướng Hun Sen công bố lệnh cấm chơi bạc trực tuyến do lo ngại hiểm họa từ tội phạm có tổ chức. Mặc dù vậy, tội phạm vẫn tiếp tục sử dụng Campuchia như một căn cứ để thực hiện hoạt động đánh bạc trực tuyến và lừa đảo.

Chúng bắt cóc các nạn nhân từ Trung Quốc (chiếm đa số) và các quốc gia Đông Nam Á, rồi nhốt và ép họ dụ dỗ những người khác tham gia các trò lừa đảo trực tuyến.

Jason Tower, Giám đốc phụ trách Myanmar của Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng rất khó để đưa ra một con số chính xác về nạn nhân nạn buôn người. Còn Li, người chuyên giải cứu các nạn nhân buôn người, ước tính ít nhất 30.000 người đã bị lừa sang Campuchia. Trong khi đó, ông Chhay Kim Kheoun, người phát ngôn của Cảnh sát Quốc gia Campuchia, bác bỏ thông tin rằng số lượng nạn nhân lên tới hàng nghìn. Chhay thừa nhận ông không thể đưa ra con số cụ thể, nhưng khẳng định chỉ vài trường hợp buôn người xảy ra trên lãnh thổ Campuchia.

Jason Tower, người đã nghiên cứu hoạt động của các công ty cờ bạc trực tuyến ở Trung Quốc và Đông Nam Á, ước tính số nạn nhân của có thể đạt từ 100.000 tới nửa triệu người. Ông Jason Tower nhận định quảng cáo tuyển dụng của tội phạm xuất hiện trên mạng xã hội đang nhằm dụ dỗ người lao động Trung Quốc sang Campuchia và Myanmar.

“Đó là vấn đề lớn. Tôi nghĩ chúng ta không thể biết chính xác mức độ nghiêm trọng của tình hình vào thời điểm hiện nay”, ông bình luận.