Theo đó, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê không thay đổi và ở mức giá 129,000 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Gia Lai không thay đổi và được giao dịch ở mốc 129,600 đồng/kg.

Thương lái tại tỉnh Đắk Nông đang thu mua cà phê ở mức cao nhất là 129,800 đồng/kg. Không thay đổi so với hôm qua.

Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk có mức giá 129,800 đồng/kg, không thay đổi so với hôm qua.

Tuần qua, giá cà phê trong nước biến động mạnh theo thị trường thế giới. Theo thống kê, mặc dù giảm trong các phiên giao dịch cuối tuần nhưng tính chung tuần qua giá cà phê vẫn cao hơn so với tuần trước. Giá cà phê trong nước hiện đang được giao dịch ở mức 129.000 - 129.800 đồng/kg, tăng nhẹ so với 127.500 – 129.500 đồng/kg của tuần trước.

Giá cà phê đã tăng mạnh chạm mốc kỷ lục 135,000 đồng/kg vào ngày 5/3. Nguyên nhân chính đến từ thông tin tồn kho cà phê tại Brazil giảm xuống mức thấp kỷ lục, gây lo ngại về nguồn cung. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, giá cà phê giảm mạnh khi xuất hiện thông tin tích cực về thời tiết. Cả Brazil và Việt Nam đều ghi nhận có mưa, giúp giảm bớt lo ngại về nguồn cung toàn cầu.

Trên thị trường thế giới, dù thị trường có nhiều biến động, giá cà phê thế giới vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ so với tuần trước.

Tại Sàn giao dịch London, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 5/2025 chốt tuần ở mức 5353 USD/tấn, tăng 23 USD/tấn (tương đương 0,4%). Hợp đồng giao tháng 7/2025 cũng tăng 28 USD/tấn (tương đương 0,5%), lên mức 5318 USD/tấn.

Trên Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica tăng mạnh hơn. Hợp đồng giao tháng 5/2025 tăng 3% (tương đương 11,4 US cent/pound), lên 384,4 US cent/pound. Hợp đồng giao tháng 7/2025 tăng 3,5% (12,7 US cent/pound), chốt ở mức 377,4 US cent/pound.

Sự biến động của đồng USD trong tuần qua đã tác động đến thị trường cà phê. Đồng Real Brazil tăng 2,6% so với USD trong tuần đầu tiên của tháng 3, góp phần hỗ trợ giá cà phê quốc tế.

Khi kỳ nghỉ lễ Carnival của Brazil sắp kết thúc, hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại quốc gia này dự kiến sẽ gia tăng. Điều này có thể tác động đến nguồn cung cà phê toàn cầu trong thời gian tới.

Theo các nhà chuyên môn, trong ba năm qua, giá cà phê tăng mạnh mang lại lợi ích cho nông dân và những người nắm giữ cà phê. Tuy nhiên, lại rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp.

Mới đây, hai nhà xuất khẩu cà phê lớn của Brazil thuộc tập đoàn Montesanto đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản do gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá cà phê tăng vọt, nông dân "bẻ kèo", không cung cấp cà phê theo giá đã thỏa thuận. Điều này khiến các doanh nghiệp phải chịu lỗ lớn khi buộc phải mua cà phê giá cao để thực hiện các hợp đồng giá thấp đã ký trước đó.

Tại Việt Nam, tình trạng vi phạm hợp đồng cũng đã xảy ra trong vụ cà phê trước. Khi giá cà phê tăng quá mạnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện hợp đồng.

Phương Thảo (t/h)