Để sự tức giận không trở nên vô ích: Kìm nén cảm xúc tiêu cực hay đối mặt một cách khôn ngoan?

Sự giận dữ sẽ trở nên nguy hiểm khi vượt ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu biết kiểm soát, bạn có thể điều hướng để chuyển nó thành công cụ giúp giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Giận dữ là một cảm xúc biểu hiện bởi cảm giác không thỏa mãn một cách dữ dội. Cung bậc của giận dữ trải dài từ sự khó chịu bạn cảm thấy khi không tìm thấy chìa khóa xe máy cho tới cơn thịnh nộ khi bạn hoặc ai đó bạn quan tâm bị đối xử tồi tệ.

Như những cảm xúc khác, nó tạo ra cơ chế phản ứng tâm lý - sinh lý (tim đập nhanh, căng cơ), các suy nghĩ điển hình (đổ lỗi cho ai đó hoặc muốn trả thù) và các hành vi có thể dự đoán (ví dụ như mong muốn được trút giận, cả trong hành động và lời nói). Quan trọng hơn, dù chúng ta thường có mong muốn được giải tỏa bằng những cách như vậy để vơi bớt cảm xúc tiêu cực, thì nhiều người lại chọn cách kìm nén. Thay vì la hét hay kêu gào, họ sẽ bĩu môi, khóc, đắn đo, thở sâu hoặc tìm cách khác để biểu hiện sự giận dữ phi bạo lực. Đó là lý do tại sao mọi người thường không nhận ra rằng mình đang cảm thấy giận dữ tới nhường nào.

Mỗi cá nhân sẽ có cách biểu hiện nỗi buồn khác nhau; và sự tức giận cũng vậy.

Chúng ta đổ lỗi sự giận dữ cho các yếu tố ngoại cảnh. Con đường Láng Hạ sáng nay tắc muốn điên lên được. Ông sếp dạo này toàn giao việc làm ngoài giờ, sao mà không khó chịu được chứ? Trên thực tế, sự giận dữ bùng lên với ba yếu tố tác động: Yếu tố ngoại cảnh tác động, cách chúng ta cắt nghĩa yếu tố ngoại cảnh và cảm xúc của mỗi người ở thời điểm đó.

Yếu tố ngoại cảnh là chất xúc tác. Nó là điều xảy ra trước khi bạn thấy bực bội: Bị sếp mắng, đồng nghiệp nói xấu, trừ lương đi muộn, wifi hỏng khi đang làm việc hay người yêu không nhắn tin lại. Nhiều tình huống sẽ dễ dẫn đến cơn giận dữ lớn hơn: Khi một mục tiêu cuộc đời không đạt được, bị đối xử bất công hay người thân yêu ra đi.

Tuy nhiên, trước khi bạn thực sự giận dữ, bạn sẽ có khoảng thời gian rất nhanh trong đầu để phân tích yếu tố tác động đó. Bạn quyết định xem điều đó có nghĩa lý gì với bản thân và liệu bạn có thể đối mặt với nó không. Tưởng tượng việc bạn bị đồng nghiệp bóc mẽ trong buổi họp; bạn có thể nhìn nhận điều anh ta nói là vô lý và cảm thấy bực bội ngay được. Ngược lại, nếu như trong khoảnh khắc đó, bạn quyết định rằng mình có thể đối mặt với những lời nói khó nghe và nghĩ rằng “Không ai thực sự lắng nghe người này đâu và điều này không quan trọng,” bạn sẽ thấy mọi chuyện đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.

Cách chúng ta suy nghĩ về một vấn đề khi bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh thực sự quan trọng. Những suy nghĩ như vậy thường sẽ xuất hiện khi chúng ta rơi vào một số tâm trạng cụ thể. Khi chúng ta mệt, đói, bực bội vì chuyện gì đó sẵn hay đang có vài cảm xúc tiêu cực, những yếu tố ngoại cảnh khiến chúng ta trở nên giận dữ hơn. Đây là một trong những lý do vì sao chúng ta có thể bực bội bởi những điều tưởng chừng nhỏ nhặt; đơn giản chỉ vì hôm đấy, chúng ta đang ở trong một tâm trạng tiêu cực hơn.

Để sự tức giận không trở nên vô ích: Kìm nén cảm xúc tiêu cực hay đối mặt một cách khôn ngoan? - Ảnh 1.

Hiểu được lý do vì sao chúng ta trở nên giận dữ sẽ giúp mỗi người xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với cơn giận dữ của chính mình. Khi nắm bắt được sự giận dữ của bản thân, bạn có thể quản lý và sử dụng một cách hiệu quả.

Chúng ta phải làm gì với cơn giận dữ?

Để có thể tức giận một cách lành mạnh, bạn cần phải hiểu nguồn cơn của sự bực dọc, không phải chỉ từ trên bề mặt mà hiểu được toàn bộ câu chuyện. Bạn có thể làm được điều đó bằng cách áp dụng mô hình dưới đây để khám phá các lý do tác động, cách bạn diễn giải tình huống và trạng thái tiền giận dữ. Hãy hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng dưới đây.

1. Bạn có nên giận dữ?

Khi đánh giá tình huống, hãy thử nghĩ xem mình có bị đối xử hay đánh giá không công bằng, liệu mục tiêu đề ra có bị cản trở; nếu có thì thực sự hậu quả xảy đến là gì? Bằng cách phân tích như vậy, chúng ta đôi khi nhận ra rằng sự giận dữ không hẳn là đúng. Vấn đề xảy đến có thể do lỗi vô ý, cách diễn giải tình huống sai hoặc kết quả cũng không hẳn là tồi tệ. Ngược lại, khi hiểu được lý do giận dữ của bản thân là hợp lý, bạn sẽ tìm ra cách để giải quyết ổn thỏa sau đó.

Để sự tức giận không trở nên vô ích: Kìm nén cảm xúc tiêu cực hay đối mặt một cách khôn ngoan? - Ảnh 2.

2. Sự giận dữ có ý nghĩa gì trong tình huống cụ thể?

Trong những tình huống cơn giận dữ của bạn là hợp lý, hãy dành chút thời gian ngẫm nghĩ xem sự tức giận ấy đang muốn truyền tải thông điệp gì tới bạn. Tự hỏi bản thân như vậy sẽ giúp bạn đánh giá được lý do bạn cảm thấy giận dữ cũng như giúp bạn quyết định điều bạn thực sự muốn để thoát khỏi tình huống này.

Ví dụ, khi bị kẹt xe trên đường, bạn thấy bực bội và nhận ra rằng, nỗi khó chịu không chỉ đến từ giao thông tắc nghẽn, nó còn đến từ đến những căng thẳng và lo lắng bạn sẽ phải trải qua trong một ngày dài. Bạn không thể làm cho con đường bớt tắc nhưng có thể tập trung vào việc giải quyết những căng thẳng, lo lắng đang diễn ra trong đầu.

Để sự tức giận không trở nên vô ích: Kìm nén cảm xúc tiêu cực hay đối mặt một cách khôn ngoan? - Ảnh 3.

3. Sự tức giận nói gì về con người bạn?

Khi đánh giá lý do vì sao bạn trở nên giận dữ, đặc biệt là khi bạn nhìn vào mô hình của sự giận dữ, nó giúp bạn nhìn ra giá trị của bản thân. Ví dụ bạn hay cáu với những người đi muộn thường xuyên. Nếu bạn bực bội vì cho rằng đi muộn là sự thiếu tôn trọng, bạn đang có nhu cầu được tôn trọng hơn.

Tuy nhiên, nếu lý do khiến bạn bực dọc là sự căng thẳng liên quan tới công việc nếu có một người đi muộn, điều đó nói lên một vấn đề khác và nhu cầu khác ở bạn. Chỉ từ một yếu tố tác động thôi (việc đi muộn thường xuyên) sẽ dẫn đến cảm xúc tức giận nhưng vì các lý do khác nhau. Hiểu được từng lý do và giá trị của bản thân sẽ giúp bạn tìm ra cách giải quyết phù hợp, nhờ đó biết mình phải làm gì tốt hơn trong những lần tiếp theo.

Để sự tức giận không trở nên vô ích: Kìm nén cảm xúc tiêu cực hay đối mặt một cách khôn ngoan? - Ảnh 4.

Làm sao để tránh việc giận dữ ngay từ đâu?

Một trong những lợi ích khác của việc hiểu sự giận dữ đang nhen nhóm trong chính mình là nó giúp bạn can thiệp vào cơn giận để quản lý cảm xúc.

Đầu tiên, bạn có thể tránh những tác động giận dữ thường gặp. Có nhiều lúc, chúng ta rơi vào các tình huống không thể kiểm soát nhưng ngược lại, trong nhiều trường hợp mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Ví dụ, nếu thấy bực bội vì mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn bạn trên Facebook, hãy tắt newsfeed đi. Nếu biết con đường đi làm mỗi ngày sẽ tắc, hãy lựa chọn một con đường khác. Né tránh những cơn giận không phải giải pháp tốt nhất nhưng việc đâm đầu vào chúng cũng không phải cách lành mạnh.

Thứ hai, bạn có thể kiểm soát giận dữ bằng cách đánh giá suy nghĩ và hỏi bản thân xem liệu cách bạn diễn giải một tình huống như vậy có hợp lý và chính xác chưa. Nếu nhà hàng ghi hóa đơn của bạn sai thì sao? tình huống xấu nhất xảy đến là gì? Nó có khiến một ngày của bạn tồi tệ không hay bạn có thể điều chỉnh cảm xúc? Mấu chốt của việc này không phải để bạn lừa dối bản thân hay giả vờ rằng mọi thứ ổn; điều quan trọng là bạn thực sự hiểu mình đang nghĩ gì và đánh giá xem nó có phản ảnh thực sự vấn đề đang xảy ra với bạn không.

Điều cuối cùng, bạn có thể biết được trạng thái tiền giận dữ của bản thân. Một khi đã xác định được những mô thức liên quan tới các cơn giận dữ của bạn (ví dụ bạn dễ giận khi đói, mệt và vội vã), hãy cố gắng tránh những cảm xúc này. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bằng cách không để bản thân đói, tránh việc làm việc quá dài thời gian để không mệt mỏi. Kể cả không thể thay đổi được những trạng thái này hoàn toàn, việc hiểu được bản thân có xu hướng giận dữ trong các tình huống như vậy đã là một điều đáng quý. Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy tự nhủ với bản thân rằng “Mọi thứ trở nên tệ hơn ngay lúc này bởi vì tôi đang mệt”. Điều đó có thể giúp bạn vơi bớt sự bực dọc không mong muốn.

Để sự tức giận không trở nên vô ích: Kìm nén cảm xúc tiêu cực hay đối mặt một cách khôn ngoan? - Ảnh 5.

Làm sao để sử dụng sự giận dữ một cách hiệu quả?

Hãy coi sự tức giận như nguồn năng lượng để thôi thúc bạn giải quyết vấn đề. Cũng như những nguồn năng lượng khác, nó không ổn định. Nếu vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn có thể khiến bản thân hay những người xung quanh gặp nguy hiểm. Vì lý do này, điều đầu tiên khi sử dụng sự nóng giận một cách hiệu quả là biết được khi nào nó trở thành một vấn đề với bạn.

Sự tức giận có thể được bộc lộ theo nhiều cách khác nhau; nhiều trong số đó để lại những hậu quả nặng nề. Những người thường xuyên nóng giận dễ dẫn đến các cuộc cãi vã và hành vi bạo lực, lái xe bất cẩn, đập phá đồ đạc, nghiện rượu hay chất kích thích. Nếu trải qua những vấn đề tiêu cực như trên, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ.

Không có một hành động nào có thể coi là đúng đắn trong mọi trường hợp bạn giận dữ. Trong nhiều trường hợp, kiềm chế cơn nóng giận là điều nên làm nhưng đôi khi, bạn nên để nỗi bực dọc được xảy ra. Để quyết định hành vi trong các tình huống giận dữ cần phải dựa vào ngữ cảnh.

Để sự tức giận không trở nên vô ích: Kìm nén cảm xúc tiêu cực hay đối mặt một cách khôn ngoan? - Ảnh 6.

Cốt lõi của sự nóng giận là việc nó nói cho bạn biết rằng bạn đang có vấn đề. Nhờ vậy, bạn có thể giải quyết các vấn đề của bản thân, từ những việc nhỏ nhặt như làm sổ nhắc việc để không bực dọc vì quên đồ, ngủ sớm hơn để không tới văn phòng trễ cho tới các vấn đề quan trọng của cuộc đời mỗi người. Nếu bạn cảm thấy bị bắt nạt ở văn phòng hay bị gia đình đối xử không công bằng, cơn tức giận sẽ giúp bạn tự đứng lên bảo vệ bản thân. Bộc lộ được sự giận dữ theo những cách tích cực là một kỹ năng quan trọng. Làm sao để vừa bộc bạch được cảm xúc của bản thân khi giận dữ, vừa lắng nghe được người khác, là một điều không phải ai cũng làm được.

Như bao cảm xúc khác, sự tồn tại của nó như một phần của lịch sử nhân loại. Sự giận dữ giúp chúng ta hiểu được những bất công, đứng lên cho những điều vô lý. Sự giận dữ, nếu không kiểm soát tốt, sẽ đem đến cho chúng ta những tổn thương và nỗi đau. Nhưng nếu biết cách sử dụng, nó sẽ là nguồn năng lượng có giá trị cho bản thân chúng ta và những người xung quanh.