Chuyên gia HSBC: Việt Nam vẫn duy trì vị thế trong việc thu hút FDI

Mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có chút suy giảm trong quý I, nhưng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất tăng và Việt Nam vẫn duy trì vị thế trong việc thu hút FDI.
ba-yun-liu-chuyen-gia-kinh-te-phu-trach-thi-truong-asean-khoi-nghien-cuu-kinh-te-toan-cau-ngan-hang-hsbc-1680574500.jpg
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều vốn FDI, nhất là lĩnh vực sản xuất điện tử trong năm 2022.

Tuy nhiên, so với thời kỳ đỉnh cao vào khoảng năm 2015-2016 (tính theo tỉ lệ vốn FDI mới so với GDP), rõ ràng nguồn vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu chậm lại. Sự suy giảm này là do việc thắt chặt các chính sách tiền tệ tại các quốc gia trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, nếu so sánh Việt Nam với các nước ASEAN, hay thậm chí ở châu Á, Việt Nam vẫn có lợi thế hơn trong việc thu hút FDI. Đặc biệt với việc Việt Nam mở cửa trở lại, có thể thấy rõ làn sóng đầu tư mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất điện tử.

Bất chấp những thách thức thương mại trong thời kỳ ngắn hạn, vẫn có những điểm nhấn tích cực trong việc thu hút FDI tại Việt Nam thời gian qua. Điều này phản ánh triển vọng trung và dài hạn tích cực của các nhà đầu tư đối với những yếu tố cơ bản vững chắc của Việt Nam. Do đó, Việt Nam vẫn duy trì vị thế trong việc thu hút FDI.

Nhìn từ góc độ dài hạn, theo bà Yun Liu, Việt Nam đã tạo lập một cơ cấu thành công, không chỉ trong việc thu hút FDI mà còn trong phát triển tiêu dùng. Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I vừa qua tăng trưởng ấn tượng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển tiêu dùng hơn nữa nhờ thị trường lao động đang cải thiện, tỉ lệ thất nghiệp giảm và tiền lương tăng. Ngày càng có nhiều người rời khỏi khu vực nông nghiệp và chuyển sang hoạt động cho các ngành dịch vụ và sản xuất hiệu quả hơn. Điều này cũng đang thúc đẩy xu hướng đô thị hóa.

Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực này và đang dịch chuyển đầu tư tới Việt Nam, đặc biệt là một số nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Nền kinh tế cần thời gian để phục hồi

Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP đạt 3,32% trong quý đầu tiên. Chỉ ra nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại, theo bà Yun Liu, lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ những bất lợi trong thương mại mà chúng ta bắt đầu nhận thấy kể từ quý IV/2022 đang ngày càng gia tăng.

Xét đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ dệt may, giày dép, máy móc hay đồ gỗ, chúng ta nhận thấy rõ sự suy giảm trên diện rộng. Sự suy giảm này liên quan tới chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, từ một số chỉ số, bà Yun Liu nhận định, có thể thấy một số dấu hiệu ban đầu về sự ổn định đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu. Nhưng để thúc đẩy phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhưng sẽ còn mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, phía HSBC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể trong nửa cuối năm nay.

Liên quan tới định hướng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia HSBC cho rằng, tình hình xuất khẩu trong thời gian tới gặp nhiều bất lợi, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu ở ASEAN và các quốc gia châu Á khác. Sự sụt giảm xuất khẩu diễn ra trên diện rộng, không chỉ với các mặt hàng điện tử mà còn với tất cả các mặt hàng khác.